Helenkhanhvy's Blog

Just another WordPress.com weblog

MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU

Hắc Công tử và Bạch Công tử với giai thoại đốt tiền: Cả Hắc Công tử và Bạch Công tử đều say m ê nhan sắc của cô Ba Trà (Hoa khôi Nam kỳ). Muốn thi thố chứng tỏ anh hào, mỗi người cân một ký đậu xanh, một ký đường rồi dùng tiền làm củi đốt nấu chè. Những giai thoại như đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè đã tồn tại song hành với danh hiệu Công tử Bạc Liêu 6 – 7 thập niên qua. Nó tồn tại để minh họa cho thói ăn chơi quăng tiền qua cả sổ của Công tử Bạc Liêu

Công tử Bạc Liêu học võ… Xiêm: Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nữa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Công tử Bạc Liêu không học võ Tây hay võ Ta mà họ võ Xiêm (Thái Lan). Ông ta đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò (em út của ông ta).

Công tử Bạc Liêu thăm ruộng bằng máy bay: Sự kiện thật sự làm chấn động Nam kỳ Lục tỉnh bấy giờ là lúc Trần Trinh Huy đi thăm ruộng bằng máy bay khi mà cả nước Việt nam lúc đó chỉ có hai người mua máy bay đó là Ba Huy và vua Bảo Đại.

Công tử Bạc Liêu ăn chơi ở Sài Gòn: Mỗi lần từ Bạc Liêu đi là ông ta ngồi trên một chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Lưng túi bao giờ cũng đầy ắp giấy bạc bộ lư, bạc con công… Thói quen của Công tử Bạc Liêu khi đi Sài Gòn là ít khi ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng hạng sang ở Sài Gòn. Và sau đó là những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra. Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh và sau đó thì nhảy đầm hoặc rủ nhau đi Đà lạt, đi Cấp… Buồn nữa thì Ba Huy đánh bài, cái máu mê cờ bạc của Ba Huy cũng khá đậm đặc, dám đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng/giạ, lương của Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng/tháng.

Công tử Bạc Liêu “vinh quy bái tổ”: Sau ba năm “sôi kinh nấu sử” tại Pháp. Trần gia tổ chức tiệc mừng, người Bạc Liêu đồn rằng còn lớn hơn buổi tiệc tân gia nhà lớn để mừng Ba Huy ăn học thành tài. Mục đích của buổi tiệc là phô trương sự giàu có lẫn quyền uy. Và tất cả đã được khoe mẽ một cách triệt để, duy chỉ có một điều Trần gia không dám khoe là sau đó họ gạn hỏi mới biết được Ba Huy sau ba năm dùi mài học tập ở Pháp quốc đã không mang về cho gia tộc Trần Trinh một học hàm, học vị nào cả. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông ta là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe và một bầu tâm sự ngày đêm thương nhớ cô vợ đầm và đứa con còn gửi nơi kinh thành ánh sáng Paris. Và phải chăng chính cái văn hóa ăn chơi của một nước tiên tiến đã pha trộn dòng máu mê ăn chơi của Ba Huy để rồi nâng tầm vóc ăn chơi của ông ta lên đến đỉnh điểm.

Công tử Bạc Liêu “trấn nhậm” điền Bàu Sàng: Vào thập niên 30, các sở điền mà Trần Trinh Huy thường hay lui tới là Bàu Sàng, Vĩnh Hưng. Tại Bàu Sàng, đời nông dân là những kiếp đời nghèo hèn cơ cực trải ra trên cánh đồng ngập úng lưu niên. Giữa cái không gian quê mùa hiu hắt, xã hội lạc hậu…, Trần Trinh Huy xuất hiện một cách “rực sáng” và xa lạ: Quần tây, áo sơ mi, đội nón nỉ, đi giày da, lưng giắt đồng hồ quả quít Ăng lê… Ba Huy mở lễ hội, ăn chơi kéo dài, tổ chức nhiều trò chơi ta có Tây có, như thí võ đài, các trò chơi dân gian, đặc biệt là “đấu xảo sắc đẹp” và có treo giải thưởng hẳn hoi. Ba Huy lăn xả vào các cuộc chơi chứng tỏ rằng máu ham vui của Công tử Bạc Liêu rất đậm đặc. Chỉ có điều sau những buổi Lễ, những trò chơi nửa Tây nửa ta thì tá điền nghèo lại thêm nghèo và người ngợm thêm đổ đốn. Nói cho công bằng, do tính ham vui, phóng khoáng nên Ba Huy rất rộng rãi. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Giai thoại công tử Bạc Liêu | Bình luận về bài viết này

NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU

Đây là ngôi biệt thự được xây dựng từ năm 1917, và là ngôi biệt thự to lớn nhất vùng lúc bấy giờ, ngôi biệt thự được cất theo mô típ Pháp, toàn bộ vật liệu dùng để xây dựng ngôi biệt thự được chở từ Pháp sang. Ngôi biệt thự được xây trong khuôn viên gồm vườn hoa, hàng rào bảo vệ, nhà ở chính, nhà bếp, nhà kho và các công trình phụ, hướng nhà được chọn theo phong thủy quay mặt về hướng nam và kênh xáng Bạc Liêu.

Hiện nay nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13-15 Điện biên Phủ, phường 3 TX Bạc Liêu. Ngôi biệt thự này thường được gắn với một danh xưng “Công tử Bạc Liêu”, danh xưng đó đã ra đời cùng nhiều giai thoại được mọi người truyền tụng đến ngày nay

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU


Mặt nhà hướng ra sông Kinh Xáng Bạc Liêu trên đường Điện Biên Phủ


Nơi chứa đồ của gia đình Công tử Bạc Liêu


Khuôn viên trồng hoa, nay được sữa lại nhà hàng của khách sạn Công Tử


Cây dừa của gia đình Công tử

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

THÁP CỔ VĨNH HƯNG

Tháp Vĩnh Hưng là một di tích kiến trúc cổ được xây dựng tại ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay.

Theo sự khảo sát của các nhà khảo cổ Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.

Tháp được xây dựng trên một diện tích hơn 1.000 m2. Bình diện chân tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6 m và 6,9 m, chiều cao của Tháp còn lại 8,2 m (đỉnh Tháp đã bị sập), cửa Tháp quay về hướng Tây. Toàn bộ ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch, chúng được kết dính với nhau bằng một loại keo (có giả thuyết cho rằng keo này được làm từ thực vật).
Những lần khảo sát và thăm dò các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo và những tượng đồng – đặc biệt có tượng bốn mặt.

Nhưng lý thú hơn cả là lần khai quật gần đây nhất (3/2002) các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tượng đồng đặc biệt quí hiếm, bên cạnh đó còn có những tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn. Mặc dù chưa công bố kết quả nhưng những bức tượng ấy các bạn khó tìm thấy ở đâu đó được cho dù trong những quyển sách nói về tượng cổ.

Di tích này đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa vào năm 1992 và dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đã được bắt đầu thực hiện. Dự án ấy đã được mở đầu bằng cuộc khai quật đầu năm 2002 và sẽ kết thúc dự án bằng phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến Tháp cổ này.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

ĐỀN THỜ BÁC HỒ

Ngày 3/9/1969 toàn thể nhân dân Việt Nam bị bao trùm trong buồn đau không kìm được nước mắt vì nhận được tin vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã từ trần. Hồ Chủ tịch mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ trên Thế giới.

Để tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc Người, sau tang lễ Huyện ủy huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Sóc Trăng (Nay là Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã chỉ đạo và phát động nhân dân trong toàn huyện xây dựng Đền thờ Bác. Địa điểm xây dựng ở ấp Bà Chăng A – Xã Châu Thới – Huyện Vĩnh Lợi.

Tháng 3 năm 1970 Xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi tiến hành xây dựng Đền thờ Bác. Mặc dù bị địch đốt phá hai lần nhưng nhân dân cũng như Xã ủy Châu Thới và Huyện ủy Vĩnh Lợi vẫn quyết tâm xây dựng bằng được Đền thờ Bác và lần này quyết không để địch phá hoại. Xã ủy Châu Thới lập ra ban xây dựng và ban bảo vệ trong lúc xây dựng và sau khi xây xong, lần này xây dựng kiên cố bằng xi măng, cốt sắt.

Công việc mua vật liệu để xây dựng gặp nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều đồn bót của địch, nhưng với tấm lòng yêu thương Bác nhân dân xã Châu Thới xung phong đi mua vật liệu, mỗi người mua một ít, mua làm nhiều lần. Khi đã chuẩn bị xong, lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/1972 Xã ủy Châu Thới đã làm Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác. Sau 24 ngày đêm không ngại đạn pháo của địch, nhân dân và Xã ủy Châu Thới đã hoàn thành việc xây dựng Đền thờ.

Sáng ngày 19/5/1972 (ngay ngày sinh nhật Bác) Lễ khánh thành Đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của trên một ngàn người trong Xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi.

Từ lúc xây dựng xong cho đến ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) Đền thờ Bác luôn là mục tiêu bắn phá của Địch. Mặc dù địch dùng những phương tiện và vũ khí hiện đại mở nhiều đợt tấn công đánh phá Đền thờ, nhưng lần nào chúng cũng nếm mùi thất bại trước tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân xã Châu Thới, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cho Đền thờ không bị vết đạn nào tàn phá. Có những tiểu đoàn của địch bị tập kích đánh úp khi chúng có ý định tấn công Đền thờ Bác.

Đến với di tích này bạn sẽ thấy được tinh thần anh dũng và sự mưu trí của quân dân Châu Thới, cũng như nhân dân Bạc Liêu nói chung thông qua những hiện vật được trưng bày tại di tích, bạn sẽ gặp được những chiến sĩ đã từng không tiếc sinh mạng mình để bảo vệ Đền thờ, và họ vẫn tiếp tục quãng đời còn lại của mình bảo vệ Đền thờ Bác.

Sau ngày giải phóng đến nay Đền thờ thường xuyên là địa điểm để tổ chức những hoạt động xã hội, là nơi họp mặt những ngày truyền thống. Năm 1998, Đền thờ Bác đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

KHU DU LỊCH PHẬT BÀ NAM HẢI

Văn hóa tâm linh là một phần không thể thiếu trong mỗi con người Việt Nam. Trong cuộc sống bộn bề, người ta có xu hướng tìm về những chốn thanh tịnh yên bình. Cũng như các nơi khác, tỉnh Bạc Liêu có rất nhiều lễ hội phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng tham quan cảnh sắc thiên nhiên…

Có thể kể đến như lễ hội dạ cổ hoài lang, lễ hội Đồng Nọc Nạng, lễ hội Nghinh Ông và đặc biệt là lễ hội Quan Âm Nam Hải. Được xây dựng từ năm 1973, tượng Phật Bà Nam Hải là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Nằm tại phường nhà Mát thị xã Bạc Liêu, nơi đây thu hút hàng trăm lượt khách đến cúng viếng và chiêm bái, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tất cả mọi người. Chỉ cách trung tâm thị xã Bạc Liêu 8 km, du khách có thể đón xe ôm hay taxi để đến khu du lịch. Vừa đi du khách vừa có thể ngắm nhìn cảnh đẹp hai bên đường đầy thi vị .

Khi đặt chân đến khu du lịch thì việc đầu tiên của hầu hết du khách là ngắm nhìn tượng Phật Bà Nam Hải. Tượng xoay mặt ra biển Đông, tượng Phật như là trung tâm đứng giữa biển xanh và bờ cát trắng. Sóng vỗ về vào bờ cát yên ả như làm nền cho tượng Phật Bà màu trắng đứng trên đài sen hồng tao nhã. Đôi mắt hiền từ cùng với khuôn mặt thánh thiện như muốn trải yêu thương cho tất cả mọi người. Điểm thêm vào nét thanh thoát đó là sự mềm mại của tà áo trắng vờn bay-một vẻ đẹp thuần túy của dân tộc Việt. Tượng cao 11m, đứng sừng sững trang nghiêm cùng với cảnh quan hùng vĩ đã tạo nên một sự chú ý và ngưỡng mộ đặc biệt cho du khách gần xa. Ánh nắng vàng soi xuống tượng Phật như tôn thêm vẻ hiền từ của Phật Quan Âm. Khói nhang nghi ngút của những người đến chiêm bái làm cho nơi này càng trở nên lung linh huyền ảo hơn. Vào những ngày lễ, người ta đến chiêm bái và tỏ lòng thành kính với đức Quan Âm rất đông. Được diễn ra trong ba ngày, đây được xem là một lễ hội lớn của người dân Bạc Liêu cũng như rất nhiều du khách. Quang cảnh tham quan, chiêm bái vô cùng náo nhiệt, tất cả mọi người đến đây đều với một lòng thành kính, cầu xin những điều tốt lành cho gia đình và người thân. Người người đông đúc nhưng không khí vẫn rất trang nghiêm và trật tự. Hàng người kéo dài tưởng không bao giờ dứt nhìn trên cao giống như một dãy lụa đầy màu sắc. Thật không thua câu thơ của nguyễn Du khi tả người trong tiết Thanh Minh: “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Vào ban đêm, số lượng người còn gia tăng hơn nữa.

Hiện nay, UBND Bạc Liêu cùng các ban ngành địa phương đã cho xây thêm rất nhiều hạng mục khác đáp ứng cho nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân cũng như biến nơi đây thành một Phổ Đà Sơn thứ hai thu hút thêm nhiều khách du lịch cho quê hương. Cổng tam quan đã được hoàn thành với những đường nét, họa tiết trang trí mềm mại hài hòa. Tất cả đều góp phần làm cho nơi này thêm đẹp và ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Vì vậy, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho du khách cũng rất đa dạng. Đi lại thì đã có dịch vụ xe chất lượng cao như Mai Linh, Tường Long, Hoàng Cung… với giá vé rất phải chăng. Khi đến đây bạn cũng không phải lo về mặt chỗ ở bởi Bạc Liêu cũng có rất nhiều khách sạn từ trong nội ô cho đến ngoài thị xã. Có thể kể đến như khách sạn công tử Bạc Liêu khá tiện nghi và rộng rãi. Hay các khách sạn khác như Đạt Ngọc, nhà khách Công Đoàn…và các phòng trọ giá rẻ khác. Gần khu Phật Bà còn có những món ăn giá khá mềm, chay mặn đều có, phục vụ suốt ngày đêm cho du khách đến chiêm bái trong ngày lễ. Và đặc biệt, bạn có thể mua các món quà lưu niệm xinh xắn cùng vài tranh ảnh nghệ thuật độc đáo cho bạn bè và người thân. Các bức tranh ở đây mang nhiều ý nghĩa cuả miền cực nam xa xôi của Tổ Quốc do ban văn hóa tỉnh hội Phật giáo tuyển chọn và tổ chức hết sức ngăn nắp

Ngoài được tham quan chiêm bái Thánh tượng, bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của vùng biển xanh bao la, nghe tiếng sóng biển rì rào và ngắm nhìn cảnh hoàng hôn đầy thơ mộng. Với không khí mát mẻ của vùng biển, chuyến tham quan viếng Phật của bạn sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Chỉ mới ra đời trong một thời gian ngắn, nhưng đây thật sự là một khu du lịch gìau tiềm năng ở miền Tây Nam Bô. Đây thật sự là một địa danh Phật tích của miền duyên hải-một địa chỉ du lịch tuyệt vời ờ miền cực Nam của Tổ Quốc, một điểm tham quan không thể bỏ qua trong chuyến hành trình của mình.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHU DU LỊCH PHẬT BÀ NAM HẢI

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

VƯỜN CHIM BẠC LIÊU

Bạc Liêu là một trong 12 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, được biết đến không chỉ là một vùng lúa trù phú; những cánh đồng muối trắng ven biển; những vườn nhãn xum xuê, cây xanh, trái ngọt, nổi tiếng khắp vùng… mà còn đó những dãy rừng phòng hộ như những chiến sỹ kiên cường giữ đất, bám biển và lấn biển, cho con cháu đời này sang đời khác những mảnh đất trù phú, giàu có mà mặn mà tình người, tình đất; và còn hơn nữa là nơi đây cũng được biết đến với một Vườn Chim còn đậm nét thiên nhiên hoang dã đã cùng hoà quyện nhau vẽ nên bức tranh sinh động với một Bạc Liêu khỏe khoắn, giàu tiềm năng đã in sâu trong kí ức của nhiều người qua bao thế hệ.

Cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng Biển, trên con đường nhựa sạch đẹp mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản Dạ cổ Hoài Lang, về phía phải, sang kênh 30 tháng 4 trên con cầu bê tông vững chắc là đến Vườn Chim Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu.

Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm, lúc đó là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng, với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên. Vườn Chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven Biển Đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn. Vào năm 1962, Vườn Chim được một hộ dân quản lý chăm sóc bảo vệ và khai thác chim non. sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức Vườn Chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước.

Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có một loài chim được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ…, 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ: 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.

Vườn Chim Bạc Liêu là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài chim khác. Sáng sớm, từng đàn chim đi kiếm mồi ở những nơi xa xôi, tối đến tìm về tổ ấm là Vườn Chim, cũng là lúc những loài chim ăn đêm bắt đầu cuộc hành trình hoạt động của mình làm xao động một góc trời đất Biển.

Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, nảy nở. Thường là vào mùa mưa, hiện nay, qua tính toán sơ bộ, số lượng chim ở Vườn Chim còn khoảng 40 ngàn con và 5 ngàn tổ chim các loại.

Ngày nay, nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, cùng với một số dự án khác như: Khu du lịch – dịch vụ cụm nhà Công tử Bạc Liêu; khu du lịch bãi biển Nhà Mát – Hiệp Thành; Vườn nhãn; Du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; dự án khôi phục, bảo vệ Vườn Chim Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu đang được tích cực triển khai thực hiện, khi dự án hoàn thành, sẽ bao gồm các hạng mục công trình như: mở rộng diện tích, trồng thêm rừng; xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; cầu qua sông (đã hoàn thành); khu Lâm viên và công viên văn hóa; các cửa hàng dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm.

Vườn Chim Bạc Liêu đang từng bước được tỉnh đầu tư theo hướng vừa giữ được sắc thái thiên nhiên hoang dã, phù hợp với tính đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học vừa khai thác một phần thích hợp, tạo điều kiện cho khách tham quan du lịch và giải trí. Ngoài khả năng đầu tư của Nhà nước, tỉnh rất mong có sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

VƯỜN NHÃN BẠC LIÊU

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là xứ sở của vườn cây ăn trái, trong đó nhãn là loại cây được nhiều tỉnh trồng nhất. Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày… được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Chưa hết, người dân xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thấy giống nhãn này thơm ngon, nên cũng qua tìm giống mang về Vĩnh Châu trồng thử.

Tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành. Khu vườn do các cụ đời trước trồng để lại, đến nay tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể. Ông Trương Kiết xem cây nhãn này như là báu vật của ông bà để lại, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo. Trước đây, cả khu vực trồng nhãn không có nước tưới, bởi phía trước là biển còn sau lưng là đất giồng cát. Cây nhãn phải sống nhờ vào nước mưa nhưng vẫn xanh tốt và ra hoa kết trái sum suê, hàng năm cứ đến tháng 5 là nhãn trổ bông và sau 4 tháng bắt đầu thu hoạch; mỗi năm chỉ có duy nhất 1 vụ. Từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, từ đó chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn. Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300-400kg/vụ. Những năm nhãn được giá từ 8.000-10.000 đồng/kg trở lên thì nhiều hộ trồng nhãn có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thậm chí có hộ đạt đến cả trăm triệu đồng.

Trong những năm gần đây giá nhãn trên thị trường liên tục bị rớt, cộng với sự già cỗi, thoái hóa, giống bị lẫn tạp và thường xuyên bị sâu bệnh tấn công làm cho năng suất giảm dần. Hiệu quả kinh tế thấp, hàng loạt nhà vườn đốn bỏ nhãn cổ để chuyển sang trồng các loại cây khác, hoặc trồng các loại nhãn mới như xuồng cơm vàng, tiêu da bò…, vừa cho năng suất cao, vừa quay vòng nhanh và có thể áp dụng 2 năm – 3 vụ. Ngay cả vườn nhãn cổ của ông Trương Kiết cũng đã phá bỏ hơn 50%.

Khôi phục và giữ lại vườn nhãn cổ Bạc Liêu đang là vấn đề cấp bách đang được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Hiện thị xã Bạc Liêu đang phối hợp cùng ngành du lịch thành lập dự án chuyển khu vườn nhãn cổ sang làm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Đây được xem giải pháp khả thi nhằm bảo vệ diện tích nhãn cổ còn lại. Trên thực tế mấy năm gần đây, khoảng 15 hộ ở Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông đã tự thiết kế lại vườn nhãn cổ, mở điểm du lịch. Tại đây, vườn nhãn cao, thoáng mát và diện tích rộng thích hợp làm nơi cắm trại, dã ngoại, nghỉ ngơi… nhất là du khách ở các tỉnh xa thường đến vào mùa hè để thưởng thức nhãn cổ Bạc Liêu chín rộ.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BẠC LIÊU

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Bạc Liêu là một tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của tổ quốc Việt Nam. Tỉnh có chung địa giới nối tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang ở phía Tây Bắc, Sóc Trăng ở phía Đông Bắc, Cà Mau ở phía Tây Nam, phía Đông Nam giáp biển Đông. Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km nối với các biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng.

Diện tích tự nhiên 2.582,46 km2. Bạc Liêu có 6 huyện là: Hoà Bình, Vĩnh lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu – trung tâm hành chính của tỉnh.

2. Đặc điểm địa hình

Bạc Liêu có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng dốc từ bờ biển vào nội đồng, từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai.

3. Khí hậu.

Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 – 2.300 mm. Nhiệt độ trung bình 260C, cao nhất 31,50C, thấp nhất 22,50C. Số giờ nắng trong năm 2.500 – 2.600 giờ. Độ ẩm trung bình mùa khô 80%, mùa mưa 85%. Vùng này ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới; không chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt của hệ thống sông Cửu Long, nhưng lại chịu tác động mạnh của thuỷ triều biển Đông và một phần chế độ nhật triều biển Tây.

II. Tài nguyên thiên nhiên

1. Tài nguyên đất

Đất đai của tỉnh được chia thành nhiều nhóm: nhóm đất mặn chiếm 32,6% quỹ đất, nhóm đất phèn chiếm 59,9%, nhóm đất cát chiếm 0,18%, bãi bồi và đất khác chiếm 4,4%, sông rạch chiếm 2,9% quỹ đất. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 258.247 ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 98.309 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản và đất muối có 120.714 ha; đất lâm nghiệp có rừng 4.832 ha; đất chuyên dùng 11.323 ha; đất ở 4.176 ha, còn lại là đất chưa sử dụng.
Đất có khả năng trồng lúa, cây lâu năm, màu và cây công nghiệp hàng năm là 98.295 ha, chiếm 38,1% tổng diện tích đất; đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối 125.546 ha, chiếm 48,62%. Phần lớn đất đai của Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện.

2. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng và đất rừng chiếm 1,87% diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ (4.657 ha). Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn, úng phèn có năng suất sinh học cao, có giá trị lớn về phòng hộ và môi trường. Tập đoàn cây gồm chủ yếu là cây tràm, cây đước.

3. Tài nguyên biển

Bờ biển dài 56km, diện tích vùng biển 4 vạn km2. Động vật biển bao gồm 661 loài cá, 319 giống thuộc 138 họ, trong đó nhiều loại có trữ lượng và giá trị cao như tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường… Tôm biển có 33 loài khác nhau, có thể đánh bắt hơn 10.000 tấn/năm. Trữ lượng cá đáy và cá nổi hơn 100.000 tấn/năm, có thể trở thành nơi xuất, nhập khẩu trực tiếp.

III. Tiềm năng kinh tế

1. Tiềm năng du lịch

Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch biển với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như vườn chim, vườn nhãn… đồng thời với những di tích lịch sử – văn hoá như: tháp cổ Vĩnh Hưng, Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hệ thống đình, chùa… Sự hấp dẫn của du lịch Bạc Liêu còn ở những nét độc đáo trong ẩm thực, trang phục, lễ hội, dân tộc Việt và một bộ phận dân cư người Khơ me, người Hoa.

2. Những lợi thế kinh tế

Với những lợi thế về thiên nhiên, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, bao gồm: đánh bắt hải sản, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ tổng hợp, du lịch và giao thông, có ý nghĩa quan trọng tác động vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu đã có những chính sách đầu tư tín dụng ưu đãi góp phần nâng dần phương tiện khai thác biển với công suất lớn để thực hiện việc đánh bắt xa bờ, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy chế biến thuỷ sản với những thiết bị và công nghệ tiên tiến theo hướng xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nghề biển mà trước mắt là hoàn chỉnh việc xây dựng cảng cá Gành Hào, một cảng cá có vị trí thuận lợi không chỉ đối với nghề biển Bạc Liêu mà còn đối với cả nước.


Tiếp tục đọc

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Giới thiệu về thành phố Bạc Liêu | 1 bình luận

BÁ HỘ BÌ

Bá hộ Bì tên thật là Phan Hộ Biết, là ông ngoại của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Từ miệt vườn Tiền Giang, Bá hộ Bì về Bạc Liêu khai khoang mở ấp. Sách khẩn hoang miền Nam của nhà văn Sơn Nam ghi: “ Năm 1894 ông Phan Hộ Biết đâm đơn xin lập làng mới tên gọi là Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay). Dân do ông ta quy tụ về và chịu trách nhiệm đóng thuế thân cho họ. Bá hộ Bì đã bỏ tiền ra xây dựng nhà việc (công sở làng ) trị giá 200 đồng …”.

Bằng cách chiêu mộ lưu dân về cho vay tiền, cho mướn trâu, vay lúa để khai hoang, sau đó mua lại đất của người không trả nổi nợ, Phan Hộ Biết trở thành một đại điền chủ lớn nhất Bạc Liêu.

Con cháu ông ta kể rằng: Bá hộ Bì là chủ sở hữu hầu hết các sở muối từ Gành Hào đến Vĩnh Châu, còn đất ruộng không biết bao nhiêu ngàn mẫu mà kể. – Là một người giỏi tính toán làm ăn, khi Pháp mở thương cảng Sài Gòn, đào xong sông Bạc Liêu; Bá hộ Bì liền sắm một đoàn ghe chài hàng trăm chiếc đi thu mua lúa, muối đưa lên Sài Gòn xuất khẩu. – Lúc này, Bá hộ Bì được mệnh danh là “vua” lúa gạo Nam Kỳ; đến khi người lục tỉnh gọi Bạc Liêu là tỉnh muối thì Bá hộ Bì lại được “phong” là “vua” muối.

Giàu có như thế nên Bá hộ Bì nổi tiếng chơi ngông. Chỉ tính cái “món gái“ thôi, đã làm cho người Bạc Liêu đương thời phải nổi da gà.

Bá hộ Bì có bảy vợ chính thức, ở chung một nhà. Còn nhân tình, nhân ngãi của Bá hộ Bì không biết bao nhiêu mà đếm. Mỗi lần đi thăm điền, Bá hộ Bì đều đi bằng ghe lớn chạm trổ hình long phụng. Trên ghe có sập gụ để uống trà, hút á phiện và dĩ nhiên không thể thiếu buồng the với những cố nhân tình luôn được “đổi mới” trong mỗi chuyến đi.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Giai thoại công tử Bạc Liêu | Bình luận về bài viết này

TRẦN TRINH ĐINH

Công tử Bạc Liêu có người anh tên Trần Trinh Đinh, sinh năm 1896, không biết mất vào năm nào. Đinh là một người trong bảy anh em của công tử Bạc Liêu, được Trần Trinh Trạch tin tưởng nhất.

Khi miền Nam manh nha nền công nghiệp xay sát lúa gạo thì ông Trạch bỏ ra một số vốn khổng lồ để cất “nhà máy lửa” mang tên Hậu Giang; giao cho Trần Trinh Đinh cai quản….. Đây có thể là một nhà máy lớn nhất Nam Bộ dạo đó, với công suất xay lúa 15 tấn một ngày. Bánh trớn của nó nặng đến 10 tấn, chạy bằng trấu và củi. Nhà máy tọa lạc tại bờ sông thuộc thị xã Bạc Liêu, ống khói của nó vươn cao, đứng xa 10 km còn nhìn thấy.

Là chủ một nhà máy lớn nên Đinh giàu sang nhanh chóng và là tay ăn chơi có hạng. Đinh to con, trông hệt như một tay hảo hớn. Đi đâu Đinh cũng vận xà rong của người Khơ me.Việc vận xà rong này vốn có căn nguyên: Khi đưa gạo sang Nam Vang (Campuchia) bán, giao du với tầng lớp giàu có ở đó, Đinh quen với một tay tài xế xe trong cung vua, có người vợ đẹp mê hồn. Trong một lần Đinh đãi tiệc, tay tài xế mang vợ theo, khiến Đinh bị hút hồn, nhìn mê mải.

Đã quen với cách ăn nói của dân cậu, Đinh ngỏ ý với gã tài xế: “Mày bán vợ cho tao, bao nhiêu tao cũng mua“. Tài xế nổi nóng, nhưng kìm được, thách thức: “20.000 đồng đó, ông có tiền mua không?” (Hồi đó, giá 20 cân thóc chỉ một hào). Tưởng nói cho bõ giận, ai dè Hai Đinh mua thật. Vợ tài xế ở với Trần Trinh Đinh đến cuối đời. Bà vốn là người Khơ me nên Đinh có thói quen vận xà rong là vậy.

Tháng Tư 12, 2010 Posted by | Giai thoại công tử Bạc Liêu | Bình luận về bài viết này