Helenkhanhvy's Blog

Just another WordPress.com weblog

ĐỒNG HỒ ĐÁ

Ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bạc Liêu hiện vẫn còn lưu giữ được chiếc đồng hồ đá của nhà bác vật đầu tiên của Việt Nam, ông Lưu Văn Lang. Người ta kể lại rằng chiếc đồng hồ này được ông Lang làm tặng cho tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu trong thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ XX.

Đồng hồ rất đặc biệt, được xây bằng gạch và xi-măng, không dùng bất kỳ máy móc nào, được đặt hướng về phía Đông ở trước dinh Tỉnh trưởng. Trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã, phân định đều nhau; giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên. Cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số. Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại có màu sáng rõ hơn (do mặt trời trực tiếp chiếu). Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó là điểm giờ trong ngày. Sáng sớm, mặt trời vừa mọc thì dọi ngay số 7; mặt trời dần cao đến độ nào thì bóng rọi dần lên các con số chỉ giờ, cho đến khi đứng bóng thì chỉ đúng số 12. Trời trở về chiều, bóng lại nghiêng theo đúng thứ tự thời khắc. Đến khi bóng hạ dần tới bậc tam cấp thấp nhất thì mặt trời đã lặn. So với đồng hồ ngày nay, đồng hồ đá chỉ sai lệch độ 5 phút. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể ông Lang đã theo cách thức của đồng hồ Thái Dương (loại đồng hồ làm bằng những dụng cụ thô sơ xuất hiện từ thủa xa xưa) để tạo nên chiếc đồng hồ đá độc đáo này.

Di vật chiếc đồng hồ đá gợi nhớ lại cuộc đời của một nhà bác vật lớn của Nam bộ. Ông Lưu Văn Lang sinh ngày 5-6-1880 (mất ngày 3-8-1969), tại làng Tân Phú Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau khi thủa nhỏ được học chữ nho, đến 10 tuổi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Do có trí thông minh thiên phú, ông Lang được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường Tây Chasseloup Laubat và năm 17 tuổi thi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, được học bổng sang Pháp học École Centrale de Paris, nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này. Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu (đứng thứ 3 trong số 250 người!) và được coi là kỹ sư đầu tiên của Nam bộ lúc bấy giờ, mà người Đồng bằng sông Cửu Long quen gọi là bác vật. Sau khi ông Lang về nước, nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam liền cử ông qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Đông Dương.

Từ 1909-1940, ông làm việc ở Sở Công chánh Sài Gòn, nổi tiếng tài giỏi và rất liêm khiết. Trong khoảng thời gian này, ông Lang nhiều lần được điều về công tác ở Bạc Liêu, để theo dõi các công trình xây dựng ở đây và để lại một giai thoại thú vị: Khi ông Lang xuống Bạc Liêu thì công trình xây cầu Long Thạnh do Pháp xây dựng sắp xong. Ông Lang lấy cây gậy khõ vào thành cầu rồi khẳng định với viên kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập (có người bảo ông còn nói chính xác cả giờ cầu sập). Quá bất ngờ, viên kỹ sư Pháp phẫn nộ, nhưng rồi cũng phải bái phục kỹ sư người Việt bởi quả nhiên chiếc cầu sập sau đó đúng 1 tháng. Từ đó, người dân ở đây gọi chiếc cầu Long Thạnh là Cầu Sập cho đến tận bây giờ. Tỉnh trưởng người Pháp ở Bạc Liêu thời đó rất khâm phục tài năng của ông Lang và đối đãi rất hậu. Đáp lại tình cảm đó, ông Lang đã làm chiếc đồng hồ đá kể trên để làm quà tặng.

Năm 1994, việc xây dựng các ngôi nhà cao tầng xung quanh khiến chiếc đồng hồ đá hơi bị vênh. Bảo tàng Bạc Liêu đã cho kích lại để đảm bảo tính chính xác của nó. Giờ đây, chiếc đồng hồ đá hoạt động gần như chuẩn với hồi mới xây dựng. Thỉnh thoảng, sinh viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bạc Liêu có làm “vệ sinh” cho đồng hồ bằng cách cạo rêu và sơn lại các con số. Tuy nhiên, do cây cối xung quanh quá nhiều nên ánh sáng mặt trời khó len vào được chiếc đồng hồ đá trong khi nó chỉ phát huy tác dụng khi có ánh nắng mặt trời. Thiết nghĩ Bảo tàng Bạc Liêu nên khắc phục khuyết điểm này và ngành du lịch địa phương nên đưa chiếc đồng hồ đá này vào tua tham quan du lịch để giới thiệu một dụng cụ xem giờ có một không hai ở nước ta.

Tháng Năm 3, 2010 Posted by | Danh lam - thắng cảnh - điểm du lịch | Bình luận về bài viết này

NHỮNG THỰC PHẨM KHÔNG TỐT CHO TRÍ NÃO CỦA BÉ

Nếu bổ sung hợp lý những loại thực phẩm có ích thì cơ thể và trí não của trẻ sẽ phát triển toàn diện. Ngược lại, nếu không lưu ý khi chọn lựa thực phẩm, để bé thích ăn gì chiều nấy, sẽ gây tác hại không nhỏ đến trí não của trẻ.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần biết thực phẩm nào gây hại và tránh dùng cho trẻ:

1. Thực phẩm quá mặn

Những loại thực phẩm chứa quá nhiều muối sẽ gây ra bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, hơn nữa còn làm tổn thương huyết quản, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các tổ chức ở não, gây ra tình trạng thiếu máu, thiếu dưỡng khí ở tế bào não, dẫn đến trí nhớ bị giảm sút, phản ứng chậm chạp.

Đối với người trưởng thành, chỉ cần dùng dưới 7g muối/ngày, trẻ em nên giới hạn trong khoảng dưới 4g/ngày. Trong bữa ăn cho trẻ, cần hạn chế những loại thực phẩm nhiều muối như cải muối, cà muối, thịt muối, cá khô, mắm, chao, tương hột…

2. Thực phẩm có quá nhiều bột ngọt

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nếu vào giai đoạn cuối của thai kỳ mà thai phụ thường xuyên dùng bột ngọt, sẽ gây ra tình trạng thiếu kẽm ở thai nhi; trẻ dưới 1 tuổi dùng quá nhiều bột ngọt có khả năng gây ra tình trạng hoại tử của các tế bào não. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đối với người trưởng thành mỗi ngày không nên dùng quá 4g bột ngọt, thai phụ và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi được khuyến cáo hoàn toàn không nên dùng. Trẻ trên 1 tuổi cũng hết sức hạn chế những loại thực phẩm nhiều bột ngọt.

3. Thực phẩm oxy hóa chất béo

Nên hạn chế cho trẻ ăn các loại thịt cá được ướp muối, sấy khô, cá hun khói, những loại thực phẩm được chế biến bằng cách đun nấu ở nhiệt độ cao (từ 200 độ C trở lên), hoặc phơi nắng trong khoảng thời gian dài,… vì đây là những nguồn thường xảy ra quá trình oxy hóa chất béo. Chất béo bị oxy hóa có thể gây tổn thương đến sự phát triển của đại não, khiến cho não sớm “già cỗi”, chậm chạp.

4. Thực phẩm có chứa chì

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, chì có thể giết chết các tế bào não, làm tổn thương đại não. Bắp rang (bỏng ngô), trứng muối, bia… là những loại thực phẩm có hàm lượng chì cao, nên lưu ý hạn chế cho trẻ ăn.

5. Thực phẩm chứa nhôm

Thường xuyên cho trẻ ăn các thực phẩm có hàm lượng nhôm cao sẽ khiến trí nhớ giảm sút, phản ứng chậm chạp, thậm chí còn gây ra chứng đần độn. Nhôm thường có nhiều trong những loại thực phẩm chiên rán như bánh quẩy, bánh tiêu…

Sưu tầm từ nguồn PNO

Tháng Năm 3, 2010 Posted by | Chăm sóc trẻ | Bình luận về bài viết này

ĐỂ BÉ CÓ CHIỀU CAO LÝ TƯỞNG

Hãy đừng nhầm tưởng chỉ bố mẹ có gen cao thì con mới cao. Bạn có thể tăng chiều cao cho bé yêu nhà mình dựa vào 5 yếu tố sau

Dinh dưỡng cân đối

Sự trưởng thành của mỗi cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào hàm lượng thực phẩm được cung cấp. Nên muốn phát triển chiều cao của trẻ, hàm lượng các chất dinh dưỡng phải bổ sung cân bằng, hợp lý. Mỗi ngày, khẩu phần ăn của trẻ phải đảm bảo từ 25 – 30 loại thực phẩm khác nhau. Nếu mỗi ngày chỉ cho trẻ ăn 3 – 5 loại thực phẩm thì lượng dinh dưỡng hấp thu cho trẻ cần phải thêm rất nhiều.

Một số loại thức ăn cho trẻ:

Bột rau quả: dưa chuột, chuối, táo, hành tây, xà lách, lê, quýt…cắt miếng nhỏ cho vào trong nồi, có thể nấu lẫn với tương (xì dầu).

Cháo lương thực phụ: gạo, lúa mạch, đậu đỏ, nho khô…rửa sạch, thêm nước, sau đó nấu trong vòng 1 tiếng.

Cơm thập cẩm: Cho dầu vào chảo, đun nóng dầu, cho trứng gà, đậu hà lan, hạt ngô ngọt, cơm vào rang lẫn, sau cùng cho dưa chuột, nêm vừa gia vị là được.

Bổ sung đủ canxi

Canxi giúp hình thành và phát triển bộ xương cho trẻ. Nếu như bữa ăn hằng ngày không thể cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể, canxi huyết và canxi trong các mô mềm không đủ, tất yếu cơ thể sẽ lấy canxi từ xương. Mà canxi trong xương bị thiếu hụt sẽ dẫn đến chất lượng của xương không tốt, xương sống bị biến dạng, cong cột sống. Chất dinh dưỡng trong xương không đủ, tất nhiên trẻ không thể phát triển bình thường được, càng khó để có thể phát triển chiều cao cho trẻ. Các thực phẩm có hàm lượng can xi cao có thể kể đến như: sản phẩm từ sữa, trứng gà, các loại cá, các loại giáp xác, đậu phụ và các chế phẩm từ đậu, tương vừng, bí đỏ, vitamin C, vitamin D…

Bổ sung protein hằng ngày

Đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là phát triển chiều cao, hàm lượng protein cần bổ sung là rất lớn, nếu bổ sung không đủ cũng ảnh hưởng dến sự phát triển chiều cao của trẻ. Ngoài ra, protein còn làm tăng độ kết dính của xương, giúp xương dẻo dai hơn.

Các thực phẩm cần bổ sung gồm: thịt gà, thịt bò, thịt hải sản, trứng gà, sữa bò, đậu phụ.

Sắt, kẽm, đồng không thể thiếu

Mặc dù nhu cầu của cơ thể đối với nhóm chất trên là không nhiều, nhưng cũng không thể thiếu. Nếu như hàm lượng nhóm chất trên bị thiếu hụt, trẻ sẽ phát sinh một số vấn đề về sức khoẻ. Trẻ em bị thiếu kẽm sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển. Sắt là nguyên tố không thể thiếu để hình thành hồng cầu, đồng là chất xúc tác giúp hình thành hồng cầu. Thực phẩm hằng ngày không thể bổ sung đủ lượng sắt, đồng, kẽm cần thiết cho cơ thể tất nhiên sẽ dẫn đến hàm lượng hồng cầu bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến sinh trưởng, trí tuệ và cả khả năng miễn dịch của trẻ, trẻ có thể thường xuyên mắc bệnh.

Các thực phẩm có hàm lượng sắt phong phú: gan và các nội tạng của động vật, thịt bò, thịt dê, cá, đậu đỏ, rau chân vịt…

Các thực phẩm bổ sung kẽm: con hàu, nội tạng động vật…

Các thực phẩm bổ sung đồng: gan lợn, tiết lợn, tôm hùm, cua, động vật giáp xác.

Rau quả tươi

Rau và hoa quả tươi có một hàm lượng vitamin vô cùng phong phú. Đặc biệt, vitamin A và vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Các loại rau: rau cải trắng, cà rốt, dưa chuột, rau xanh, măng non, cà chua, hành tây…

Các loại hoa quả: quýt, lê, táo, đào, chuối, dưa, cam…

Tháng Năm 3, 2010 Posted by | Chăm sóc trẻ | Bình luận về bài viết này

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Với người già, có nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ cao… nên càng phải được quan tâm nhiều hơn về chế độ ăn. Nhất là các thực phẩm chứa nhiều chất béo, các món ăn phải nấu đi nấu lại nhiều lần… có hại cho sức khỏe.

Tránh các món ăn nhiều dầu mỡ

Đối với người lớn tuổi, việc ăn nhiều chất béo luôn không tốt cho sức khỏe vì đó chính là mầm mống của những căn bệnh mà tuổi già hay mắc phải.

Những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như thịt kho nước dừa, thịt nấu đông, các loại thịt quay, nội tạng động vật (tim, gan, ruột)… đều chứa nhiều cholesterol động vật. Nếu sử dụng nhiều các loại thực phẩm này sẽ làm lượng cholesterol trong máu tăng cao. Khi lượng cholesterol tăng đến một mức không thể kiểm soát thì các cơn đột quỵ tim mạch hoặc tai biến mạch máu não có thể xảy ra, rất nguy hiểm. Thực tế, hàng năm, vào những ngày Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì các cơn tai biến thường tăng cao nên các cụ và người thân trong gia đình cần hết sức chú ý đến vấn đề này.

Ngoài việc hạn chế các món ăn trên, các cụ có thể bổ sung chất béo, đạm động vật từ cá vì cá dễ tiêu hóa, hàm lượng Omega 3 cao. Một tuần, nên bổ sung từ hai đến ba bữa cá và ăn kèm với các loại đậu, muối mè.

Có nên ăn nhiều rau củ quả muối chua?

Các loại dưa cải muối chua, kim chi… thường kích thích vị giác (do có vị chua), nên tạo sự ngon miệng và thèm ăn cho các cụ. Tuy nhiên, loại thực phẩm này được làm chủ yếu từ các loại rau củ quả đã qua quá trình lên men và mất đi lượng vitamin cần thiết, không nên cho các cụ ăn nhiều vì không đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết.

Nên chọn các loại rau, trái cây tươi như: cam, bưởi…, cung cấp nhiều vitamin C và giúp tăng sức đề kháng, mau lành vết thương. Những trái cây có màu đỏ như dưa hấu, hồng, đu đủ… cũng là nguồn dồi dào vitamin A.

Kết hợp bổ sung vitamin C và A sẽ hết sức có lợi vì vitamin C giúp hấp thu vitamin A tốt hơn, ngăn ngừa các bệnh về mắt như khô mắt, mỏi mắt, hạn chế bệnh lão hóa về mắt.

Không dùng thức ăn nấu lại nhiều lần

Các món ăn trong mùa đông thường phải nấu đi nấu lại nhiều lần, lượng vitamin mất dần theo mỗi lần nấu, lại đồng thời làm tăng vị mặn cho món ăn. Đối với người già, ăn mặn là “kẻ thù” gây ra các bệnh thận, tăng huyết áp. Do vậy, không nên cho các cụ ăn những thức ăn nấu lại nhiều lần. Thức ăn tốt, đảm bảo vitamin, khoáng chất là phải ăn ngay sau khi nấu, lúc này hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn còn cao.

Cân bằng giữa ăn và uống

Ngoài việc ăn sao cho tốt, đúng khoa học, đảm bảo sức khỏe thì việc uống cũng không nên xem nhẹ. Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể nên các cụ phải uống nước thường xuyên. Nguồn nước tốt nhất vẫn là nước lọc đun sôi để nguội.

Ăn uống hợp lý, cân bằng là điều quan trọng để giúp các cụ tránh được nguy cơ phát triển bệnh tật, tăng tuổi thọ…

Trong không khí vui tươi, đầm ấm ngày Tết, con cháu sum họp thì tinh thần kích thích vị giác, các cụ có thể ăn được nhiều hơn so với ngày bình thường nhưng đó chưa hẳn là tốt. Nên ăn trong tinh thần thoải mái, giữ mức độ ăn đều đặn, vừa phải, không nên ăn quá no và có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để tạo cảm giác thích thú khi ăn.

BS. Hồng Hạnh

Tháng Năm 3, 2010 Posted by | Chăm sóc người cao tuổi | Bình luận về bài viết này

NGƯỜI GIÀ PHỔI CŨNG GIÀ THEO

Viêm phổi là bệnh người già thường gặp. Những người có nguy cơ là người có thể trạng kém suy yếu, gầy còm, nghiện rượu, mắc các bệnh mạn tính, bệnh đái tháo đường và sau khi bị cúm. Bệnh phổi cấp tính cũng là một trong những nguyên nhân tử vong chính của người già.

Tại sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?

Phổi lúc về già bị giảm cả về khối lượng và thể tích, trở nên ít di động. Độ đàn hồi thành phế nang bị giảm và bị giãn hẳn ra. Khi lão hóa dung tích chung bị giảm đặc biệt giảm dung tích sống (DTS) của phổi. Theo tính toán, trên người Việt Nam, DTS của nam giới lúc 25 tuổi là 3,82 lít, lúc 60 – 64 tuổi chỉ còn lại 2,57 lít. Giảm DTS liên quan với giảm khả năng di động của lồng ngực và lực cơ hô hấp cũng như khả năng thông hành của phế quản và độ đàn hồi của phổi. Hậu quả của những biến đổi này sẽ gây nên giảm thông khí tối đa và dự trữ thông khí phổi, cho nên lúc về già dễ xuất hiện khó thở khi hoạt động căng thẳng (gắng sức); sự suy giảm thông khí phổi sẽ đưa đến tích góp nhiều bụi phổi, khó khăn hơn khi muốn khạc nhổ, không tạo đủ áp lực để đưa dị vật ra khỏi phế quản. Tăng nguy cơ bị các bệnh viêm nhiễm phế quản và phổi, cung cấp ôxy cho cơ thể bị giảm. Đồng thời cũng giảm độ bão hòa ôxy máu động mạch. Hơn nữa về già có các cơ chế bù làm tăng chức năng hệ hô hấp, thí dụ thở nhanh làm tăng thông khí phổi. Trong điều kiện nghỉ ngơi những cơ chế này đảm bảo trao đổi khí bình thường giữa phổi và môi trường ngoài. Tuy nhiên khả năng thích nghi và dự trữ của chúng lúc tuổi cao bị hạn chế.

Thủ phạm gây bệnh

Có loại không do vi khuẩn và có loại do vi khuẩn.

– Bệnh phổi không do vi khuẩn: có thể gặp tuy không nhiều viêm phổi và viêm phế quản phổi do Ricketsia, bệnh virut do chim, bệnh phổi do Adenovirus, do các bệnh virut phát ban và nhất là bệnh phổi do mycoplasma pneumoniae. Nguy hiểm hơn cả là bệnh phổi do cúm.

– Bệnh phổi do vi khuẩn: tuy vẫn còn các bệnh phổi do phế cầu nhưng hiện nay cần chú ý hơn đến tụ cầu và liên cầu. Ngoài ra còn có các vi khuẩn gram (-) E.coli… Trên những bệnh nhân dùng kháng sinh và corticoid dài ngày có thể gặp nấm phổi.

Xử trí như thế nào?

Tùy nguyên nhân và tình trạng bệnh. Thể nhẹ có thể chữa trị, theo dõi tại nhà. Các thể nặng phải được điều trị theo dõi tại viện.

– Điều trị nguyên nhân: nguyên nhân thường do các vi khuẩn cư trú ở răng miệng, họng mũi, loại phế cầu khuẩn, hemophilus influenzae… Nguyên tắc là dùng kháng sinh sớm, phổ rộng.

– Điều trị triệu chứng: Dùng các thuốc giảm ho nếu người bệnh ho nhiều, chú ý dùng loại không chứa opium, không có tác dụng kháng histamin có thể gây ngủ, giảm phản xạ ho khạc như catabex, mucitux, silomat… dùng aspirin (pH8), aspegic nếu sốt; khó thở dùng các thuốc chống khó thở và trợ tim mạch.

Chăm sóc người bệnh rất quan trọng: Cho uống nhiều nước giúp loãng đờm dễ khạc và hạ sốt (dung dịch oresol, nước hoa quả, nước rau…); truyền dịch nếu cần; giữ ấm cho bệnh nhân, nơi nằm của bệnh nhân cần thoáng, ấm, khô ráo, không có gió lùa và yên tĩnh; cần có chế độ nuôi dưỡng thích hợp tùy từng giai đoạn bệnh (giai đoạn đầu ăn lỏng hoặc nửa lỏng, sau đó ăn đặc dần).

Phòng bệnh

Như trên đã nói, viêm phổi người già hay gặp ở người có thể trạng kém, mắc bệnh mạn tính sau cúm… do vậy phải tích cực điều trị bệnh mạn tính, bệnh viêm mũi họng, răng miệng. Nếu có điều kiện nên tiêm phòng vaccin chống phế cầu, vaccin đa giá chống cúm. Người bệnh phải tuyệt đối bỏ thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu, bia quá mức, giữ gìn sức khỏe tránh để lạnh.

Những biểu hiện viêm phổi ở người cao tuổi

Viêm phổi ở người cao tuổi có đặc điểm lâm sàng là âm thầm không rầm rộ, không điển hình, không rõ ràng. Người bệnh không sốt cao, ít khi rét run, ho ít, nhẹ, khạc đờm không nhiều, thường cũng chỉ như mọi ngày hoặc tăng hơn chút ít nên ít chú ý, người trong gia đình cũng ít quan tâm. Thở có thể nhanh, thở gấp hơn bình thường. Dấu hiệu khó thở thường nổi trội hơn trong viêm phổi; nghe phổi có nhiều ran ẩm rải rác khắp hai phổi, không có biểu hiện của hội chứng đông đặc tập trung ở một thùy phổi. Các tiếng thở bất thường có thể tập trung nhiều hơn ở các thùy dưới của phổi; chụp Xquang phổi có thể thấy nhiều hình ảnh mờ rải rác hoặc tập trung hơn ở vùng đáy phổi nhưng không có hình tam giác thường thấy trong viêm phổi do phế cầu ở lứa tuổi thanh niên và trung niên; xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng không nhiều, hồng cầu có thể hơi tăng… Các dấu hiệu cần chú ý khác là tình trạng tinh thần có thể suy giảm một cách bất thường nhất là ở những người cao tuổi, có thể lú lẫn, rối loạn tâm thần, rối loạn tiêu hóa, bỏ ăn.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

Tháng Năm 3, 2010 Posted by | Chăm sóc người cao tuổi | Bình luận về bài viết này